Sinh học và sinh thái học Comephorus

Tên gọi thông thường trong tiếng Nga golomyanka có nguồn gốc từ tiếng Nga cổ golomen (tiếng Nga: голомень) có nghĩa là "xa bờ" hay "biển khơi" trong phương ngữ khu vực này và là để nói tới tập tính sống xa bờ của chúng.[13] Chúng là sinh vật cạnh tranh sinh thái chính của cá hồi trắng Omul (Coregonus migratorius), một loài cá cũng ăn cả golomyanka nhỏ, và là nguồn thức ăn chính của hải cẩu Baikal, chiếm tới trên 90% khẩu phần ăn của chúng.[7] Các loài cá này dễ dàng nhận dạng và là đủ lớn để dễ dàng nhìn thấy. Golomyanka là bất thường ở chỗ chúng sống trong khắp các cột nước của hồ Baikal, từ độ sâu khoảng 1,6 km (1,0 dặm) tới gần bề mặt, nhưng chủ yếu là các độ sâu sâu hơn 100 m (330 ft).[14][15] Ban đêm chúng di chuyển lên cao để kiếm ăn, thường ở độ sâu khoảng 10–25 m (33–82 ft),[16] và trong mùa đông chúng đôi khi có thể được nhìn thấy bơi ngay phía dưới lớp băng che phủ bề mặt.[17] Chúng được coi là cá nước ngọt sống sâu nhất thế giới, cùng với một vài loài cá bống nước sâu hồ Baikal (họ Abyssocottidae).[18] Chúng di chuyển mà không quan tâm nhiều tới thay đổi áp suất, mặc dù chúng chỉ có thể tồn tại trong môi trường nước lạnh, với nhiệt độ ưa thích không quá 5 °C (41 °F) và chúng sẽ chết khi nhiệt độ cao hơn 10 °C (50 °F).[6][12]

Sinh khối của quần thể golomyanka ước tính khoảng 150 nghìn tấn, làm cho nó là loài cá đông đúc nhất trong hồ Baikal.[6][12] Người ta ước tính khoảng 70% cá trong hồ là golomyanka.[13] Cá non của chúng cũng là ấu trùng cá xa bờ đông đúc nhất trong hồ.[19] Các bầy đàn lớn thì vẫn chưa được biết đến đối với các loài cá này, nhưng các nhóm tới 20 cá thể thì từng được ghi nhận gần đáy hồ.[7] Cá cái phổ biến hơn cá đực, với cá đực chỉ chiếm khoảng 32% quần thể đối với cá mỡ Baikal nhỏ và 17% đối với cá mỡ Baikal lớn.[9] Cá cái không đẻ trứng mà đẻ con, khoảng 2.000–3.000 cá con.[12] Cá cái với phôi thai đang phát triển có thể nhìn thấy trong hồ quanh năm,[9] nhưng dường như vẫn có tính mùa vụ trong sinh sản, với số lượng ấu trùng cá lớn nhất quan sát thấy trong giai đoạn từ tháng 8 tới tháng 4 năm sau (có một số khác biệt về thời gian đỉnh điểm của 2 loài).[17] Phần lớn cá cái chết sau khi sinh con.[6] Người ta từng tin rằng bụng của chúng nổ tung để giải phóng cá con và giết chết cá mẹ trong quá trình này, nhưng điều này chỉ là huyền thoại.[7] Golomyanka có thể sống tới 6–8 năm.[6][9]

Chúng là cá chậm chạp,[20] và có miệng tương đối lớn với vài hàng răng hơi giống như bàn chải, cho phép chúng tách lọc các sinh vật nhỏ mịn từ trong nước.[9] Thức ăn chủ yếu của chúng là các động vật phiêu sinh như giáp xác chân kiếm Epischura baikalensis, giáp xác chân hai loại Macrohectopus branickii cũng như ấu trùng cá bống hồ Baikal (Cottoidei),[21] bao gồm cả ấu trùng của chính chúng.[13]